Thuật ngữ chính về thu nợ
Cố vấn viên tín dụng (Credit counselor)
Cố vấn viên tín dụng có thể hỗ trợ những nội dung sau:
- Tư vấn cho quý vị cách quản lý tiền và nợ
- Trợ giúp quý vị lập ngân sách
- Thường cung cấp tài liệu hướng dẫn và buổi hội thảo miễn phí
- Thông thường, cố vấn viên tín dụng được chứng nhận và đào tạo trong các lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, quản lý tiền và nợ, cũng như lập ngân sách. Cố vấn viên thảo luận về toàn bộ tình hình tài chính của quý vị với quý vị và hỗ trợ quý vị phát triển kế hoạch cá nhân để giải quyết các vấn đề về tiền bạc của quý vị.
Quy Tắc Thu Nợ (Debt Collection Rule)
CFPB đã ban hành “quy tắc” có hiệu lực vào ngày 30 tháng 11 năm 2021 để làm rõ và diễn giải Đạo Luật Thực Hành Đòi Nợ Công Bằng (FDCPA) của liên bang.
Người thu nợ (Debt collector)
Theo Đạo Luật Thực Hành Đòi Nợ Công Bằng của liên bang, người thu nợ nói chung là cá nhân hoặc công ty thường xuyên thu các khoản nợ của người khác, thường là khi khoản nợ đó đã quá hạn.
Người thu nợ bao gồm cơ quan thu nợ hoặc luật sư thu nợ trong công việc kinh doanh của họ. Cũng có những công ty mua các khoản nợ quá hạn từ người cho vay hoặc doanh nghiệp khác và sau đó cố thu khoản nợ đó. Những người thu nợ này còn gọi là cơ quan thu nợ, công ty thu nợ hoặc bên mua nợ.
Dịch vụ xử lý nợ (miễn trừ nợ) (Debt settlement (relief) services)
Công ty xử lý nợ là công ty cho biết họ có thể đàm phán lại, dàn xếp hoặc theo một cách nào đó thay đổi các điều khoản về khoản nợ của một người với người cho vay hoặc người thu nợ. Quý vị có thể gặp rủi ro khi đối phó với các công ty xử lý nợ.
Đạo Luật Thực Hành Đòi Nợ Công Bằng (Fair Debt Collection Practices Act - FDCPA)
Đạo Luật Thực Hành Đòi Nợ Công Bằng (FDCPA) là luật liên bang chính điều chỉnh các hoạt động thu nợ. FDCPA nghiêm cấm các công ty thu nợ sử dụng các cách làm lạm dụng, không công bằng hoặc lừa đảo để thu nợ từ quý vị. Đọc bằng Tiếng Anh thông tin về các quyền của quý vị theo FDCPA.
Sai áp (Garnishment)
Hành động sai áp tiền lương hoặc tài khoản ngân hàng xảy ra khi người cho vay lấy một phần tiền lương hoặc tiền từ tài khoản ngân hàng của quý vị để thu số tiền quý vị nợ. Hành động sai áp thường cần lệnh của tòa án xuất phát từ một phán quyết. Tuy nhiên, một số khoản nợ của chính phủ cũng có thể dẫn đến việc sai áp, ngay cả khi không có phán quyết.
Luật tiểu bang và liên bang có các giới hạn hoặc “miễn trừ” áp dụng khi sai áp tài khoản ngân hàng và tiền lương, thường là để đảm bảo quý vị còn tiền để sống. Việc người thu nợ đe dọa sẽ sai áp tiền lương của quý vị nếu tiền lương của quý vị không thể sai áp một cách hợp pháp cũng là hành vi vi phạm Đạo Luật Thực Hành Đòi Nợ Công Bằng (FDCPA).
Bị người thu nợ quấy rối (Harassment by a debt collector)
Đạo Luật Thực Hành Đòi Nợ Công Bằng (FDCPA) cho biết người thu nợ không được quấy rối, áp bức hoặc lạm dụng quý vị hoặc bất kỳ ai khác mà họ liên lạc.
Hành vi quấy rối của người thu nợ quấy rối có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ bao gồm các cuộc gọi điện thoại lặp đi lặp lại nhằm làm phiền, lạm dụng hoặc quấy rối quý vị hoặc bất kỳ người nào trả lời điện thoại; ngôn từ tục tĩu; đe dọa bạo lực hoặc gây tổn hại; công bố danh sách những người từ chối trả nợ (trong đó không bao gồm việc báo cáo thông tin cho công ty báo cáo tín dụng); và gọi cho quý vị mà không cho quý vị biết họ là ai.
Phán quyết (Judgment)
Phán quyết là kết quả chính thức của một vụ kiện tại tòa án. Trong vụ kiện thu nợ, thẩm phán có thể đưa ra phán quyết đối với người cho vay hoặc người thu nợ quý vị. Nếu không phản hồi khiếu nại pháp lý, quý vị sẽ mất cơ hội tự bảo vệ mình và có thể thấy rằng phán quyết được đưa ra chống lại quý vị.
Nếu ai đó kiện quý vị hoặc nếu ai đó đã nhận được phán quyết chống lại quý vị và quý vị không biết phải làm gì, hãy nói chuyện với luật sư. Một số luật sư có thể cung cấp dịch vụ miễn phí hoặc giảm phí dịch vụ. Cũng có thể có các văn phòng trợ giúp pháp lý hoặc phòng hỗ trợ pháp lý trong khu vực của quý vị cung cấp dịch vụ miễn phí nếu quý vị đáp ứng tiêu chí nhất định. Quân nhân nên tham khảo văn phòng JAG tại địa phương .
Tin Nhắn Có Nội Dung Hạn Chế (Limited-Content Message)
Theo Quy tắc Thu nợ, đây là tin nhắn thư thoại cho người tiêu dùng, phải chứa một số thông tin bắt buộc và có thể chứa nội dung tùy chọn khác.
Người cho vay ban đầu (Original creditor)
Nói chung, người cho vay ban đầu là công ty đã cho quý vị vay hoặc tín dụng. Người cho vay ban đầu có thể cố tự mình thu nợ tài khoản tín dụng quá hạn hoặc có thể thuê người thu nợ. Người cho vay ban đầu cũng có thể bán tài khoản tín dụng của quý vị cho người thu nợ. Người thu nợ nói chung là một bên thứ ba đã ký hợp đồng cụ thể để thu nợ trên tài khoản của quý vị hoặc ai đó đã mua từ người cho vay ban đầu, người thu nợ hay bên mua nợ khác.
Luật tố tụng (Statute of limitations)
Luật tố tụng là khoảng thời gian giới hạn mà người cho vay hoặc người thu nợ phải khởi kiện để thu nợ. Hầu hết luật tố tụng rơi vào khoảng từ 3-6 năm, mặc dù ở một số khu vực pháp lý, luật này có thể kéo dài lâu hơn. Luật tố tụng có thể khác nhau, tùy vào luật của tiểu bang, loại nợ mà quý vị có hoặc luật của tiểu bang có tên trong hợp đồng tín dụng của quý vị.
Thông Báo Xác Thực (Validation Notice)
Người thu nợ cần cung cấp một số thông tin nhất định khi lần đầu tiên giao tiếp với người tiêu dùng hoặc ngay sau đó. Khi người thu nợ cung cấp thông tin bắt buộc này bằng phương thức điện tử hoặc bằng văn bản, đây gọi là thông báo xác thực.