Chuẩn bị tài chính trước khi mua nhà
Mua nhà là mơ ước của nhiều gia đình, nhưng quý vị có thể không biết bắt đầu từ đâu hoặc vào thời điểm nào thì quý vị sẵn sàng. Sau đây là một số bước để bắt đầu hành trình trở thành người sở hữu nhà. Một bản giải thích đầy đủ hơn bằng tiếng Anh có trong hướng dẫn Mua Nhà của chúng tôi.
Tìm trợ giúp để mua ngôi nhà đầu tiên của quý vị
Nhiều tiểu bang và tổ chức địa phương cung cấp các chương trình giúp người mua nhà lần đầu thanh toán khoản trả trước hoặc chi phí hoàn thiện thủ tục mua bán. Để tìm chương trình gần quý vị:
- Tìm cố vấn về nhà ở tại khu vực của quý vị (tài liệu bằng tiếng Anh)
- Gọi đến Đường Dây Nóng của HOPE™ theo số (888) 995-HOPE (4673) 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần
Quý vị cũng có thể nhờ cố vấn về nhà ở giúp quý vị:
- Quyết định thời điểm phù hợp để mua nhà hoặc cách quý vị có thể cải thiện tín dụng của mình (tài liệu bằng tiếng Anh) để nhận được ưu đãi tốt hơn
- Xem xét kỹ các tùy chọn về khoản vay thế chấp của quý vị hoặc các tùy chọn khác mà quý vị sẽ có nếu lịch sử tín dụng của quý vị được cải thiện
- Rà soát báo cáo tín dụng, thu nhập và thông tin tài chính bổ sung của quý vị và giải thích cách bên cho vay thế chấp đánh giá đơn đăng ký của quý vị
Phát hiện các vấn đề có thể cản trở kế hoạch của quý vị
Phân biệt đối xử là bất hợp pháp
Bên cho vay không được từ chối tín dụng, tính phí thanh toán hoặc lãi suất cao hơn, đưa ra các điều khoản bất lợi hoặc ngăn cản quý vị nộp đơn xin vay dựa trên:
- Chủng tộc
- Màu da
- Tôn giáo
- Nguồn gốc quốc gia
- Giới tính (bao gồm khuynh hướng tính dục và bản dạng giới)
- Tình trạng hôn nhân
- Tuổi tác
- Nhận tiền từ trợ cấp công
- Thực hiện các quyền của quý vị theo Đạo Luật Bảo Vệ Tín Dụng của Người Tiêu Dùng một cách thiện chí
Nếu quý vị gặp vấn đề với khoản vay thế chấp, quý vị có thể gửi khiếu nại trực tuyến hoặc gọi đến số (855) 411-CFPB (2372).
“Hợp đồng chuyển nhượng tài sản” có thể gây ra rắc rối
Hợp đồng chuyển nhượng tài sản (đôi khi được gọi là “khế ước trả góp”, “hợp đồng trả góp cho đất đai” hoặc “mua bán theo hợp đồng”) là giao dịch mua nhà được thực hiện theo hình thức trả góp thay vì thông qua khoản vay thế chấp truyền thống. Thay vì làm việc với một bên cho vay thế chấp riêng để vay tiền trả cho người bán toàn bộ giá trị bất động sản, quý vị đồng ý trả cho người bán theo từng đợt hàng tháng. Người bán giữ quyền sở hữu bất động sản cho đến khi hợp đồng được thực hiện đầy đủ. Khế ước thể hiện quyền sở hữu hợp pháp đối với ngôi nhà.
Để hiểu rõ quyền của mình trong hợp đồng chuyển nhượng tài sản, quý vị nên trao đổi với luật sư. Sau đây là những lời khuyên để tìm luật sư tại tiểu bang của quý vị.
Theo hợp đồng chuyển nhượng tài sản, quý vị phải hành động như chủ sở hữu bất động sản trong thời hạn của hợp đồng, ngay cả khi khế ước chưa phải của quý vị. Trong hợp đồng chuyển nhượng tài sản thông thường, quý vị phải trả thuế tài sản, bảo hiểm, chi phí sửa chữa và bảo trì.
Với hình thức thế chấp truyền thống, nếu quý vị chậm thanh toán, bên cho vay thường phải đợi một thời gian trước khi có thể bắt đầu tịch biên tài sản. Với hợp đồng chuyển nhượng tài sản, người bán thường có thể bắt đầu quá trình trục xuất ngay lập tức. Việc trục xuất có thể diễn ra nhanh chóng nếu quý vị:
- Bỏ lỡ một khoản thanh toán hàng tháng
- Không thể thực hiện "khoản chi trả dồn" với số tiền lớn nếu hợp đồng yêu cầu
- Không trả các chi phí khác được nêu trong hợp đồng, như thuế và bảo trì
Ngoài ra, người bán thường được nắm giữ toàn bộ số tiền và công sức quý vị bỏ ra cho ngôi nhà.
Ngay cả khi quý vị thực hiện tất cả các khoản thanh toán theo yêu cầu của hợp đồng, quý vị vẫn có thể gặp rắc rối. Người bán có thể không có quyền sở hữu rõ ràng đối với ngôi nhà. Ví dụ, người bán có thể nợ tiền thế chấp hoặc cầm cố bất động sản. Hoặc đôi khi người bán chỉ đơn giản là từ chối chuyển giao khế ước bán nhà. Đôi khi người bán lấy tiền của quý vị để đóng thuế và bảo hiểm nhưng thực tế không đóng, vì vậy khi cuối cùng quý vị sở hữu ngôi nhà, quý vị phải đối mặt với các hóa đơn lớn, tiền phạt và các vấn đề khác.
Nếu quý vị gặp vấn đề với hợp đồng chuyển nhượng tài sản, quý vị có thể gửi khiếu nại trực tuyến hoặc gọi đến số (855) 411-CFPB (2372).